6 thg 9, 2011

Sức mạnh của ám thị



Xưa kia, nhà bác học kiệt xuất thời trung cổ Avixena đã từng nói rằng trong số các loại thuốc và dụng cụ y học thì mạnh nhất là con dao, cỏ và lời nói. Đúng, không còn phải tranh cãi gì nữa vì con dao của nhà phẫu thuật và các cây thuốc rất công hiệu trong việc đem trả lại cho người ốm sức khỏe. Nhưng còn lời nói thì sao? Vì sao lời nói lại được liệt vào hàng những phương tiện chữa bệnh hiệu quả nhất vậy?


Trước khi dẫn ra các bằng chứng khoa học cho điều này, tôi muốn nhắc lại ở đây một truyện ngắn của nữ văn sĩ người Anh Agata Crixti. Trong truyện không có tình tiết trinh thám. Chỉ có một người bị … lời nói giết chết. Nội dung vắn tắt của câu chuyện ("Căn nhà nhỏ nơi thôn dã") như sau. Sau một lần xích mích, cô Êlix bỏ chồng chưa cưới để đi lấy một người mà cô hầu như không hiểu biết gì. Chẳng bao lâu cô đã phải lấy làm tiếc về chuyện đã rồi. Nhiều điều trong hành vi của chồng cô, Matin, quả thật lạ lùng, thậm chí có vẻ khả nghi nữa. Một lần, sau khi tiễn chồng đi làm, cô vào vườn và gặp người thợ làm vườn ở đó. Thường thì người này đến nhà cô vào thứ hai, còn bây giờ ông ta lại đến vào ngày không hẹn trước để hỏi cô chủ xem phải làm gì vào tuần sau. Sự thể là do ông ta đa gặp Matin ngoài phố và anh ta cho biết chiều tối hôm nay sẽ cùng vợ lên đường đi du lịch.

Cô Êlix lo lắng đi đi lại lại hồi lâu trong vườn và bất ngờ cô nhìn thấy ở gần một luống hoa cuốn sổ tay của chồng. Mở ra, cô đọc thấy dòng ghi cuối cùng: "Êlix. Thứ tư, ngày 18 tháng sáu, 9 giờ tối"… Chính ngày hôm nay! Matin định làm gì cô đây? Hoảng hốt, cô lao vào phòng làm việc của chồng, mở ngăn kéo bàn viết của anh ta và vô cùng hoảng sợ khi thấy trong đó là những đoạn cắt trong báo nói về phiên toà và chân dung Matin. Anh ta bị buộc tội vì nhiều người vợ của anh ta bị biến mất vô tăm tích không biết vì sao. Bị kết án một số năm tù khá dài, kẻ can án đã trốn tù.

Êlix đang ở trong tay một kẻ giết người bị bệnh thao cuồng! Chạy trốn bây giờ cũng chưa muộn… Nhưng ngay lúc đó người chồng xuất hiện. Cố gắng che dấu nỗi hoảng sợ của mình, cô đem cà phê và bữa chiều lại cho anh ta. Uống cạn tách cà phê Matin bảo:

- Bây giờ anh và em sẽ xuống tầng hầm, em sẽ giúp anh rửa ảnh.

Người vợ hiểu rằng hắn sẽ giết mình dưới đó.

- Đi thôi!

Và ngay lúc đó, như thường xảy ra nơi những người có ý chí vào những thời điểm cực hạn của cuộc sống. Êlix trấn tĩnh và nói với vẻ bình thản:

- Hượm đã, em phải nói với anh một điều rất quan trọng. Em đã sống với anh vài tháng nay rồi, vậy mà anh chưa biết gì về em cả. Em muốn bộc bạch với anh đây: em đã lấy chồng hai lần rồi…

Nhận thấy một nỗi quan tâm rõ rệt hiện ra trong mắt chồng, Êlix nói còn điềm tĩnh hơn nữa:

- Thế đấy, em đã đầu độc người chồng đầu tiên bằng cách bỏ thuốc độc vào cà phê. Anh ta đã bảo hiểm cuộc sống của anh ta cho em mà…

Matin kinh sợ nhìn vợ.

- Em cũng đã giết người chồng thứ hai như thế.

Hai chân người chồng quỵ xuống, hắn ta ngã vào ghế bành.

- Trời ơi, - hắn ta lắp bắp, - vì thế mà cà phê lại có vị ngon như vậy! Ngươi đã đầu độc ta sao, quân khốn nạn!

- Đúng, em đã đầu độc anh, - người vợ khẳng định một lần nữa. - Thuốc độc đã có tác dụng rồi. Vài phút nữa thôi anh sẽ chết!

Quả nhiên, năm phút sau anh ta tắt thở, mặc dù trong tách cà phê không có chút thuốc độc nào.

Thoạt nhìn, đoạn kết câu chuyện thật huyễn tưởng và xa sự thật. Làm sao lại có thể giết chết một con người chỉ bằng lời nói được? Song chúng ta sẽ không vội kêt luận. Chúng ta cũng nhớ lại một số sự kiện không phải lấy ra từ tác phẩm văn học, mà rút ra từ thực tế.

Nhiều sinh viên y khoa biết câu chuyện như thế này. Một số người nhất trí bỡn cợt một anh bạn. Khi gặp người bạn đó, ai cũng hỏi vì sao bộ dạng anh ta thiểu não thế, vì sao nét mặt anh ta nhợt nhạt thế và đau ốm vậy. Lúc đầu anh thanh niên còn bình tĩnh trả lời: anh ta khoẻ mạnh, không có gì xảy ra hết. Nhưng khi đã có chục người hỏi như thế thì anh ra không chịu đựng được nữa. Vẻ mặt anh ta trở nên nhợt nhạt và hoảng hốt, anh ta đáp lại câu hỏi tiếp theo rằng đúng là anh ta thấy khó chịu và anh ta sẽ về nhà ngay. Việc đùa này quả là khá ác độc, nhưng nó chứng minh một cách trực quan và thuyết phục về sức mạnh của lời nói con người.

Người ta gọi tác động đó là ám thị. Đặc biệt mẫn cảm với tác động này là những người có hệ thần kinh yếu, dễ bị kích động. Chẳng hạn, dễ dàng ám thị một người như thể cảm giác sợ hãi trước điều gì đó hoặc ngược lại, gây hứng khởi trong tâm trạng và làm cho người đó trở nên vui vẻ, phấn chấn.

Có thể nhớ lại cả những trường hợp khi lời nói (chỉ riêng lời nói thôi!) đã chữa khỏi cho những người đau ốm ngay trước mắt mọi người. Vào thế kỷ trước, một người lính Pháp giải ngũ đã nổi tiếng như một thầy lang có phép màu. Khi có người bị liệt chân đến nhờ ông ta chữa, thầy lang nhìn người đó dữ dội, rồi sau đó thét ra lệnh: "Đứng dậy!". Và người bệnh liền vứt nạng và bắt đầu bước đi!

Tất nhiên, người lính này không phải chữa được tất cả các con bệnh, nhưng đã có một số người trở về nhà khoẻ khoắn sau khi đến nhờ ông ta. Tất cả những nhiều đó đều bị liệt chân liên quan đến hệ thần kinh bị đau (những bệnh này gọi là những bệnh có nguồn gốc tâm thần).

Từ lâu, các nhà khoa học đã giải thích được những điều "huyền diệu" như thế. Ai mà không biết rằng những tác động bên ngoài khác nhau đều có thể gây ảnh hưởng to lớn đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, lo sợ, đau khổ hay vui sướng đều gây ra sự tăng hay giảm nhịp tim, làn da trở nên hồng hào hoặc có thể làm cho tóc bạc rất nhanh v. v… Nhiều khi lời nói còn có tác động mạnh hơn nữa đối với hệ thần kinh. Lời nói có khả năng ảnh hưởng rõ rệt đối với tâm lý và như thế có nghĩa là đến hoạt động của toàn bộ cơ thể.

Còn đây là những ví dụ đơn giản nhất. Bạn nghe thấy từ "khế chua" (Nguyên văn "quả nham lê"(N. D), và từ đó liền gây ra sự tiết nhiều nước bọt - dường như bạn đã nhấm nháp thứ quả chua đó trong miệng rồi. Hoặc có ai đó rất sợ chuột. Nếu khi có mặt người đó mà bất ngờ kêu to: "Chuột!" thì người đó sẽ hoảng hết hồn vía mặc dù không nhìn thấy con chuột nào.

Và cả tự kỷ ám thị cũng có thể gây ra tác động như thế, đôi khi còn mạnh hơn nữa, đối với cơ thể. Dưới tác dụng của tự kỷ ám thị có thể làm bệnh hay đau ốm. Điều đó xảy ra như thế nào? Một người cả lo, dễ bị kích động, cảm thấy hơi mệt mỏi. Nhưng người đó lại nghĩ ngay đến bệnh tật nghiêm trọng. Chẳng hạn, người đó bị khản tiếng vì cảm, nhưng đã cảm thấy là mình đang mất giọng hoàn toàn, ý nghĩ đó cứ dai dẳng theo đuổi con người cả nghĩ ấy, người đó dường như tự thuyết phục mình rằng chẳng bao lâu nữa sẽ bị mất giọng. Và thực tế người đó mất giọng. Cần nhấn mạnh rằng, trạng thái tinh thần và tình cảm của con người giữ một vai trò to lớn trong tự kỷ ám thị. Nhiều người đã nghe chuyện: bà cụ cất tiếng "trừ yểm" mụn cơm, thế là mụn cơm biết mất liền. Thầy thuốc ở đây vừa là sự ám thị của bà lang, vừa là sự tự kỷ ám thị, niềm tin rằng bà lão ấy có thể "trừ" được mụn cơm đã giúp việc. Ở đây việc bà lão có buộc mụn cơm bằng dây hay bằng tóc không đều chẳng có ý nghĩa gì. Cũng không quan trọng việc người ta thầm thì tụng niệm về cái mụn cơm đó. Chính sự tự kỷ ám thị rằng sau lời "yểm" đó mụn cơm sẽ biến đi đã đóng vai trò quyết định.

Các bác sĩ nhiều lần kiểm tra phương pháp chữa trị như thế: chẳng hạn, họ bôi nước, nước quả, rượu vào mụn cơm rồi bảo người có mụn cơm rằng đó là loại thuốc mới rất công hiệu đối với mụn cơm. Và điều đó đã tác động đến nhiều người. Người ta tin vào thuốc, vào việc thuốc sẽ chữa được bệnh, họ tin vào bác sĩ - và thế là các mụn cơm biến đi.

Nhiều khi, tự kỷ ám thị đã làm nên những điều thật sự kỳ diệu. Hồi trước chiến tranh, nhiều người yêu thích sân khấu đều biết rõ nghệ sĩ tài năng I. N. Pevxôp. Ở ngoài đời ông bị tật nói lắp, nhưng trên sân khấu ông đã khắc phục được nhược điểm này. Bằng cách nào vậy? Nghệ sĩ đã ám thị mình rằng trên sân khấu không phải ông, mà là một người khác nói và diễn, đó là nhân vật của vở diễn, con người không nói lắp. Và điều đó luôn luôn có tác dụng tốt.

Dưới tác động của tự kỷ ám thị, người ta có thể bị liệt chân tay, có thể bị điếc và mù bất thình lình. Điều căn bản gây ra hiệu quả đó chính là do, chẳng hạn, ở người bị mù thì không phải các tế bào thần kinh bị hỏng, mà chỉ có hoạt động ở vùng não chỉ huy thị giác bị rối loạn thôi. Ở vùng não đó, dưới tác động của tự kỷ ám thị đã phát triển một ổ ức chế bền vững, tức là những tế bào thần kinh mà hoạt động bị gián đoạn một thời gian khá lâu. Các tế nào đó thôi không nhận các tín hiệu tới và trả lời chúng nữa. Vậy có thể chữa cho những bệnh nhân như thế bằng cách áp dụng thôi miên và ám thị, hơn nữa, sự khỏi bệnh đến ngay tức khắc và làm cho người không am hiểu phải sửng sốt.

Các bạn hãy nhớ lại những câu chuyện kể về các nhà tu hành khổ hạnh và những kẻ cuồng tín tôn giáo, những chuyện đó chứng minh rằng ở trạng thái phấn khích cực độ, họ mất sự thụ cảm với đau đớn và họ chịu đựng sự tự hành xác và tra tấn kinh khủng… với sức bền bỉ ghê gớm. Nguyên nhân ở đây là do con người đưa mình vào trạng thái thôi miên bằng tự kỷ ám thị và thực tế đã ngừng cảm thấy đau đớn.

T.A
(st)

1 nhận xét:

  1. Một thanh niên cảm thấy cần phải bỏ tật hút thuốc, quyết định dùng phép tự kỷ ám thị, và bắt đầu lặp đi lặp lại trong đầu cầu : " Tôi có thể bỏ thuốc". Trong suốt một tuần lễ, anh ta đã nói câu đó đến cả trăm lần, nhưng rồi vẫn cứ hút thuốc đến ngợp khói như mọi khi .

    Dĩ nhiên là như thế rồi, bởi vì trong thâm tâm, anh ta đâu có muốn bỏ thuốc . Anh thấy cần phải bỏ thuốc, có lẽ bởi vì cô bạn thân nhất của anh đang cằn nhằn anh về chuyện đó, nhưng lòng xác tín riêng tư (private conviction) của anh cho rằng anh đã ham mê thói quen đó và hơn thế nữa, anh thừa biết rằng anh đã từng bỏ thuốc đến ba lần trước đây mà không thành công .

    Kết quả là, mặc dù anh đã lặp đi lặp lại dạng câu nói kia rất chu đáo, nhưng óc lý luận của anh lại tiếp tục hạch sách câu phát ngôn "Tôi có thể bỏ thuốc", và từ chối tính có thật của câu nói đó Những gì anh thanh niên cho rằng anh phải làm, chỉ là những ý tưởng trái ngược và xung đột nhau. Anh ta phải giải quyết mối xung đột này và dành lấy cảm giác - ước muốn của anh - về phe với ý định tiết chế bỏ thuốc lá rồi thì ám thị mới sẽ có tác dụng đưa anh ra khỏi sự ràng buộc của thói quen .

    Trích (*)
    hn (st)

    Trả lờiXóa